Cái chết Dương_Quý_Phi

Ghi chép chính sử

Tranh vẽ Dương Quý phi cùng Đường Huyền Tông hạnh phúc, bởi Yashima Gakutei.

Ngày Giáp Tý (16) tháng 11 năm Ất Mùi, Thiên Bảo thứ 14 (tức 16 tháng 12 năm 755), với danh nghĩa "Phụng mật chiếu hoàng đế thảo phạt Dương Quốc Trung", An Lộc Sơn khởi binh từ Ngư Dương[24] đánh thẳng vào kinh đô Trường An, chính thức phản lại Nhà Đường. Binh triều đại bại. Vào mùa hạ năm Thiên Bảo thứ 15 (756), quân của An Lộc Sơn tiến về Trường An[25].

Trước tình thế nguy cấp, Dương Quốc Trung dâng hạ sách bắt người trấn giữ ải Đồng Quan là tướng Ca Thư Hàn phải xuất quân đánh An Lộc Sơn. Trong khi đó các tướng muốn phòng thủ phải chờ quân của Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật đánh về. Ca Thư Hàn buộc phải ra quân, kết quả đại bại, 20 vạn quân bị giết, Hàn bị Sơn bắt sống. Quân Phiên ào ạt tiến vào Tràng An. Đường Huyền Tông và Dương Quý phi cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục.

Ngày 14 tháng 7, năm sau (756)[26], mọi người đến Mã Ngôi Dịch (馬嵬驛; nay là Hưng Bình, Thiểm Tây), thì tướng sĩ dưới trướng Trần Huyền Lễ không chịu đi nữa, vì lương thực đã hết, quân sĩ khổ nhọc mà Dương Quốc Trung và cả gia quyến đều no đủ sung sướng, nên họ nổi lên chống lại. Dương Quốc Trung ra lệnh đàn áp nhưng bị loạn quân giết chết. Lòng căm phẫn đối với họ Dương chưa tan, Trần Huyền Lễ dưới danh nghĩa tướng sĩ, đã bức Huyền Tông đem thắt cổ Dương Quý phi thì họ mới chịu phò trợ Nhà Đường. Binh sĩ tâu:"Quốc Trung mưu phản, không nên để Quý Phi hầu hạ ở bên bệ hạ nữa, xin bệ hạ vì quốc pháp mà cắt bỏ tình riêng".

Huyền Tông do dự, vào bên trong. Lát sau, cúi đầu đi ra. Kinh Triệu doãn Triệu Tư Lục cùng Vi Ngạc đều khuyên ông phải thuận theo tình thế. Ông nói với Cao Lực Sĩ:"Quý Phi ở trong thâm cung, sao biết được Quốc Trung mưu phản?". Cao Lực Sĩ nói:"Quý Phi quả thật vô tội, nhưng nay tướng sĩ đã giết Quốc Trung rồi, mà Quý Phi còn sống bên cạnh bệ hạ, tướng sĩ đâu có yên lòng? Xin bệ hạ suy xét kỹ lại. Tướng sĩ được yên lòng, tức bệ hạ được bình an".

Ngày 15 tháng 7 (ÂL)[1], Huyền Tông không còn cách nào, đành ban cho Quý phi một dải lụa trắng, cho Cao Lực Sĩ thắt cổ Quý phi tại bên dưới cây lê trong Phật đường[27][28]. Huyền Tông đau xót quay đi, không dám chứng kiến cảnh ái phi bị xử tử. Lúc chết Dương Quý phi 38 tuổi. Sau khi chết, xác Quý phi chỉ là chôn vội ven đường, sau đó binh lính hành quân tiếp. Sau khi Huyền Tông (lúc này đã là Thái Thượng hoàng) trở về Trường An, muốn cải táng Quý phi cho tử tế hơn, Lễ bộ Thị lang Lý Quỹ (李揆) khuyên rằng:"Long võ tướng sĩ giết Quốc Trung, lấy phụ quốc triệu loạn. Nay cải táng Cố phi, sẽ khiến tướng sĩ lo sợ, lễ tang không thể hành". Do vậy, Huyền Tông chỉ có mật lệnh trung sử cải táng. Lúc trước khi an táng Quý phi, người ta chỉ dùng vải đệm bao bọc, da thịt bây giờ đã hư, chỉ có túi thơm vẫn còn. Khi nội quan trình lên, Thượng hoàng nghe mà thống khổ thê lương, chỉ có thể họa lại tranh của Quý phi đặt trong biệt điện, ngày đêm đều ngắm, cho đến khi ông qua đời.

Tương quan truyền thuyết

Về cái chết của Dương Quý phi, hậu nhân vẫn còn truyền lại nhiều giả thiết về nơi chết của bà.

Chết ở Phật đường

Có người nói, Dương Quý phi khả năng chết ở Phật đường. Cựu Đường thư - Dương Quý phi truyện, Tư trị thông giám - Đường kỉ, các sách sử đều chép rằng Đường Huyền Tông lệnh Cao Lực Sĩ đem Dương Quý phi vào trong đại điện Phật, siết cổ chết ở dưới cây lê.

Sách 《Dương Thái Chân ngoại truyền》 ghi lại:"Đường Huyền Tông cùng Dương Quý phi quyết biệt, nàng “Khất dung lễ Phật”, Cao Lực Sĩ đem nàng thắt cổ chết dưới cây lê".

Chết trong loạn quân

Dương Quý phi có thể trực tiếp bị chết trong khi phiến loạn. Vào năm Chí Đức thứ 2 (757), Đỗ Phủ ở Trường An làm bài Ai giang đầu, có một câu "Minh mâu hạo xỉ kim hà tại, huyết ô du hồn quy bất đắc", này ám chỉ Dương Quý phi bị giết chết, vẩy máu mà thành, chứ không phải bị thắt cổ.

Lý Ích Sở (李益所) làm thất tuyệt Quá Mã ngôi, có những câu Thác quân hưu tẩy liên hoa huyết hay Thái Chân huyết nhiễm mã đề tẫn, đều ám chỉ cùng một ý rằng Dương Quý phi chết vì bị kiếm bạo quân giết hại. Ngay cả Ôn Đình Quân trong bài Mã ngôi dịch cũng có:"Phản hồn vô nghiệm biểu yên diệt, mai huyết không sinh bích thảo sầu", đều lấy ý Dương Quý phi chết vì đao kiếm bạo quân.

Nuốt vàng mà chết

Một cách nói là Quý phi nuốt vàng mà chết, khá mới lạ, chỉ thấy trong bài Mã ngôi hành của Lưu Vũ Tích.

绿野扶风道,黄尘马嵬行,路边杨贵人,坟高三四尺。乃问里中儿,皆言幸蜀时,军家诛佞幸,天子舍妖姬。群吏伏门屏,贵人牵帝衣,低回转美目,风日为天晖。贵人饮金屑,攸忽舜英暮,平生服杏丹,颜色真如故。Lục dã phù phong đạo, hoàng trần mã ngôi hành, lộ biên dương quý nhân, phần cao tam tứ xích.Nãi vấn lí trung nhi, giai ngôn hạnh thục thời, quân gia tru nịnh hạnh, thiên tử xá yêu cơ.Quần lại phục môn bình, quý nhân khiên đế y, đê hồi chuyển mỹ mục, phong nhật vi thiên huy.Quý nhân ẩm kim tiết, du hốt thuấn anh mộ, bình sinh phục hạnh đan, nhan sắc chân như cố.

Lưu lạc dân gian

Còn có người cho rằng, Dương Quý phi vẫn chưa chết ở Mã Ngôi Dịch, mà là lưu lạc vào dân gian.

Nhà thơ Du Bình Bá (俞平伯) trong 《Luận thơ từ khúc tạp - 论诗词曲杂著》, lấy Trường hận ca của Bạch Cư Dị và Trường hận ca truyện của Trần Hồng (陳鴻) làm khảo chứng. Ông cho rằng Trường hận ca cùng Trường hận ca truyện cơ bản bổn ý, có một hàm xúc khác. Lúc ấy sáu quân bất ngờ làm phản, Quý phi bị ép chết, trong thơ nói rõ Đường Huyền Tông “Cứu không được”, cho nên việc ban chiếu chỉ trong chính sử ghi lại, xét vào lúc ấy tuyệt sẽ không có. Trong Trường hận ca truyện của Trần Hồng còn có ghi rõ "Sai người dắt nàng đi", chứng tỏ Quý phi đã được Huyền Tông ám ngầm sai mang đi.

Trong Trường hận ca, sau khi Đường Huyền Tông hồi loan, sai người cải táng, thì nói là "Mã ngôi pha hạ nê trung thổ, bất kiến ngọc nhan không tử xử", thi cốt đều tìm không thấy, này liền càng chứng thực Quý phi không chết ở Mã Ngôi Dịch.

Đến ngoại quốc xa xôi

Có thuyết nói rằng, Dương Quý phi được Trần Huyền Lễ và Cao Lực Sĩ bí mật bảo hộ, lệnh một thị tì chết thay và sắp xếp cho bà lên thuyền, bỏ sang sống tại Nhật Bản cho đến khi mất ở tuổi 60. Tại Nhật Bản khi ấy là Thời Nara, Dương Quý phi được Thiên hoàng Kōken trọng thể đón tiếp.

Trong văn hóa Nhật Bản, Dương Quý phi rất được tôn sùng và hiện nay vẫn còn rất nhiều vở Noh, Kabuki hay tranh họa nói về câu chuyện của bà và Đường Huyền Tông. Trong tiếng Nhật, bà được gọi là Yokihi (Kana: ようきひ). Có thuyết thì cho rằng, nàng đã sang Hàn Quốc (xưa gọi là Cao Ly). Các thuyết này đều được dùng trong các tác phẩm thi ca, nhằm tôn vinh câu chuyện giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, điển hình là Trường hận ca của Bạch Cư Dị, Trường hận ca truyện (長恨歌傳) của Trần Hồng,...